Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Nhà văn - Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi



Nhà văn - Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi

Bài viết liên quan
++++++++++++
1. Bốn mươi năm về trước, trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân, Nguyễn Thi đi theo một cánh quân đánh vào Sài gòn với hy vọng là để lấy thêm tài liệu cho mấy cuốn tiểu thuyết còn dang dở. Cũng không loại trừ miền đất ấy đã ghi dấu nhiều kỷ niệm của đời ông, nơi lúc bấy giờ đứa con gái mà ông chưa biết mặt đang sống. Sáu năm ở chiến trường Nam bộ vào thời kỳ cuộc chiến tranh đang diễn ra đầy cam go đó, với Nguyễn Thi lại là quãng thời gian ông thực hiện được nhiều nhất cho những dự định về nghề nghiệp. Nhưng ông đã không trở về. Ông đã ngã xuống ở ngay cửa ngõ thành phố trong một cuộc chiến đấu không cân sức...

2. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Thi được mở đầu bằng giải thưởng văn học Cửu Long năm 1951 cho tập thơ Hương đồng nội với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn. Cho đến nay hầu như rất ít người biết đến thơ ông, có thể vì chất lượng nghệ thuật của nó. Nhưng cũng vào thời điểm đó ông bắt đầu chuyển sang viết văn xuôi và càng ngày ông càng nghiệm ra rằng mọi thành quả của lao động, ý nghĩa của cuộc đời ông chỉ thật sự có khi ông gắn mình với cuộc sống của nhân dân và chiến sỹ. Năm 1954, tập kết ra Bắc và trước khi trở lại chiến trường miền Nam năm 1962, ông có hai tập truyện ngắn Trăng sáng và Đôi bạn.

Cũng như mọi tác phẩm văn học khác ra đời vào thời điểm bấy giờ, hai tập truyện ngắn Trăng sáng và Đôi bạn đã nhập vào dòng chảy chung của văn học hướng về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Tình cảm đối với quê hương trong tấm lòng của những người con miền Nam tập kết và của chính những người dân miền Bắc là một thứ tình cảm đặc biệt, là động cơ cho mỗi người trong công việc hàng ngày đã được ông thể hiện khá tinh tế trong các truyện như Quê hương, Đôi bạn, Xuống núi... Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, chi phối mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của xã hội lúc bấy giờ. Dưới nét bút "ký họa" của ông, bức tranh cuộc sống miền Bắc đã góp phần tạo lòng tin cho con người vào tương lai phía trước: đó là tâm thế của những con người được sống trong hoàn cảnh không bị o ép, được cách mạng giải phóng và tự giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc do thói quen sinh hoạt lâu trong chế độ cũ. Những truyện ngắn thời kỳ này của Nguyễn Ngọc Tấn có thể nói như một sự tìm đường cho ngòi bút của mình. Mặc dù cốt truyện còn đơn giản, tình huống truyện chưa có sự đặc sắc nhưng ở đây, mạch văn của ông đã thể hiện sắc thái trữ tình đậm nét. Cả trong hai tập Trăng sáng và Đôi bạn, dẫu cùng nằm trong tình hình chung của truyện ngắn miền Bắc thời kỳ này là còn sơ lược, một chiều thì Nguyễn Ngọc Tấn ít nhiều vẫn bộc lộ năng lực của một cây bút truyện ngắn qua một số truyện. Tính "mơ hồ" trong cách gọi tên nhân vật, trong việc thể hiện tâm lý của cô gái nông thôn trẻ có chồng hy sinh đã mấy năm giờ đang có một cuộc sống mới nơi công trường, đang có tình cảm với một chàng trai quê xa, với nỗi chộn rộn náo nức của kẻ đang yêu không thể giấu, lại không hẳn đã quên hình ảnh người chồng cũ, là những phác thảo tâm lý khá tinh tế của ông trong truyện ngắn Đôi bạn. Câu chuyện tình cảm riêng tư trong truyện Quê hương được "thuật lại" từ một điểm nhìn tự phát: đó là câu chuyện giữa hai người phụ nữ không có tên riêng mà nhân vật "tôi" nghe được một cách tình cờ trên một chuyến xe khách từ Hà Nội vào giới tuyến Vĩnh Linh. Từ điểm nhìn đó, việc lồng ghép và gắn kết một cách hợp lý các mối tình cảm riêng chung, đặc biệt là tình cảm đối với quê hương, ý thức trách nhiệm đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đã được ông thể hiện khá đặc sắc. Chủ đề hướng về miền Nam ruột thịt còn được thể hiện trong một số truyện ngắn khác như Trăng sáng, Mặt trận, Món quà tết. Thời kỳ này cách mạng miền Nam đang chịu những tổn thất nặng nề do sự trả thù những người kháng chiến cũ của Mỹ - Diệm. Truyện ngắn Im lặng của ông viết về một người bộ đội miền Nam phát bệnh điên khi nghe tin vợ con ở quê nhà đã bị kẻ thù sát hại, phần nào cũng nói lên sự nhận thức buổi đầu của ông về tính chất khốc liệt trong cuộc chiến đấu không cân sức để bảo vệ bản thân và bảo vệ thành quả của cuộc kháng chiến ở miền Nam. Đây là một sự nhận thức không dễ nhận được sự đồng thuận của nhiều người nhưng với Nguyễn Ngọc Tấn thì đây là một sự mở đầu và điều đó càng biểu hiện rõ hơn trong ý thức nghệ thuật của ông sau khi trở lại chiến trường miền Nam: mặc dù văn mạch trữ tình đã trở thành chủ đạo trong nhiều truyện ngắn và tùy bút nhưng chính sự nhận thức này đã quy định tính nghiêm nhặt trong bút pháp hiện thực trong Ở xã Trung Nghiã và một số ghi chép khác. Đó là lý do khiến cho mặc dù sống và làm việc trong điều kiện hết sức gian khổ ở chiến trường lúc bấy giờ, với bút danh mới: Nguyễn Thi, ông vẫn ghi được hàng ngàn trang tư liệu và viết được một số tác phẩm đặc sắc về cuộc sống và con người miền Nam trong một thời kỳ lịch sử cam go. Những gì còn lại trong di cảo của Nguyễn Thi đã thể hiện sức thanh xuân của một ngòi bút giàu tiềm năng sáng tạo.

3. Trong thời gian sống ở chiến trường Nguyễn Thi là một trong những người chịu trách nhiệm tổ chức tờ Văn nghệ Quân giải phóng và bản thân ông cũng là một cây bút chủ lực của tờ báo này. Ông quan niệm nhà văn cũng như văn chương là phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Cho nên ông đã làm tất cả những gì mà một tờ báo ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn của đời sống chiến tranh lúc bấy giờ đang cần; và đặt ra như một thứ kỷ luật cho mình là đi và viết. "Ở chiến trường là phải làm liền, không viết nhanh thì việc mới người mới ào tới, chuyện sự vụ chồng chất, cuối cùng tất cả sẽ mãi mãi chỉ là những dự định". Ông tranh thủ mọi thời gian để ghi chép. Đặc biệt là sau những chuyến đi công tác ở Mỹ Tho, Bến Tre, đi dự Đại hội anh hùng miền Nam về, ông ghi được hàng ngàn trang tư liệu vô cùng quý giá về các sự kiện, con người, về văn hoá dân gian... trong đó có những tư liệu như đã là phác thảo khá hoàn hảo cho những cuốn tiểu thuyết, những truyện ký. Những sáng tác của ông phần lớn được ra đời trong ý thức công dân - nghệ sỹ, trong ý muốn từ bầu nhiệt huyết của mình để có thể truyền ngọn lửa yêu nước đến với người đọc nhất là khi văn học nhận về mình trách nhiệm làm vũ khí chiến đấu và nhà văn là chiến sỹ. Đó là những ghi chép kịp thời dường như còn mang hơi thở nóng hổi của một cuộc sống chiến đấu đầy khẩn trương như Những sự tích đất thép, Đại hội anh hùng, Dòng kinh quê hương, Những câu nói trong đại hội. Cùng với những tác phẩm khác, những sáng tác này ra đời trong cảm hứng sâu sắc của ông về ý thức, về lòng quyết tâm đánh Mỹ của mọi lớp người trên đất miền Nam. Với giọng điệu tráng ca, những bài ký của Nguyễn Thi đã đốt lên trong lòng người đọc ngọn lửa của lòng yêu nước, của ý thức quyết tâm đánh Mỹ đến cùng để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc qua những câu nói từng là phương châm sống của nhân vật: "Đừng lo tôi chết, cứ để tôi ở đây sống với đồng bào" (Nguyễn Thị Hạnh), "Chết, chết thẳng đứng còn hơn sống quỳ" (Nguyễn Văn Quang), "Cứ đánh, trước khó sau quen" (Phạm Văn Cội)... 

Một trong những đặc điểm của văn xuôi giải phóng là nhà văn viết từ cảm hứng anh hùng và các tác phẩm thường ra đời trên cơ sở người thật việc thật. Nói như Nguyễn Minh Châu là các tác phẩm "thường ra đời cùng với các bản tin chiến sự" và là kết quả của các chuyến đi thâm nhập vào thực tế cuộc sống chiến đấu anh hùng của các nhà văn. Phần lớn những sáng tác của Nguyễn Thi, trong đó bao gồm những tác phẩm đã hoàn thiện và cả những tác phẩm chưa hoàn thiện là kết quả của những tháng ngày đi và viết. Nhất quán với mình và cùng nằm trong dòng chảy chung của nền văn học cách mạng lúc bấy giờ, cảm hứng anh hùng là nguồn cảm hứng chính trong sáng tạo nghệ thuật của ông và điều đó đã được thể hiện qua việc lựa chọn đối tượng thẩm mỹ và cách tiếp cận đối tượng. Nguồn cảm hứng đó không chỉ thể hiện ở việc ông dành trọn tâm sức của mình để viết về cuộc sống anh hùng với những người anh hùng có thật ngoài đời mà còn là ở chỗ ông dồn nguồn tình cảm đó của mình để xây dựng nên kiểu nhân vật anh hùng trong cuộc sống chiến tranh, thể hiện con đường đi đến với cách mạng của nhân dân cũng như những khó khăn gian khổ mà cách mạng đã trải qua, đã được nhân dân đùm bọc, che chở. Trong các tác phẩm của ông nhân vật phụ nữ bao giờ cũng là những nhân vật ông dành nhiều tâm huyết nhất.

Anh hùng Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Út - thường gọi là Út Tịch - là nhân vật chính trong tập truyện ký Người mẹ cầm súng tác phẩm được giải chính thức Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) do Hội đồng Nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trao tặng. Chị Út là một người phụ nữ mà từ lúc còn đi ở đợ chị đã bộc lộ phẩm chất của một con người không chịu sống trong áp bức khi phản ứng một cách mạnh mẽ cách đối xử tàn tệ của Hàm Giỏi và Hội đồng Thanh. Với bản tính như vậy cho nên chị đã đến với cách mạng một cách tự giác và con đường từ một phụ nữ yêu nước bình thường để trở thành một người nổi tiếng về tài đánh giặc với tư tưởng "còn cái lai quần cũng đánh" đối với trường hợp chị cũng không đến nỗi khó cắt nghĩa. Nguyễn Thi không viết nhiều về những sự thật trần trụi chiến tranh nhưng âm hưởng của Người mẹ cầm súng vẫn là không khí của một đời sống khốc liệt và dữ dội. Truyền thống yêu nước của dân tộc đã được Nguyễn Thi đặt trong mối quan hệ giữa hiện tại với quá khứ và tương lai qua hình ảnh một cô bé đi ở đợ dám chống lại sự áp bức trước đây của chủ nhà và hình ảnh đứa con gái của chị Út Tịch "giống hệt mẹ nó hơn hai mươi năm về truớc" khi đeo khẩu súng quần vo quá gối tiễn mẹ đi dự Đại hội anh hùng hôm nay. Giữa hai hình ảnh này là hình ảnh một "người mẹ cầm súng"- một người phụ nữ coi việc đánh giặc cũng là tất yếu như việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Mối quan hệ này càng được khẳng định thêm trong một truyện ngắn khác, rất giàu chất thơ: Mẹ vắng nhà. Hình ảnh một người phụ nữ đông con nhưng vẫn thu xếp tốt công việc gia đình và dũng cảm, nhiệt tình, hiệu quả trong công việc đánh giặc, một đàn con trẻ biết cắt đặt công việc gia đình để cho mẹ yên tâm đi đánh giặc, qua ngòi bút trữ tình đặc sắc của Nguyễn Thi, quả đã có sức lay động mạnh đến tâm hồn độc giả khi các sáng tác này xuất hiện trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. 

Cảm hứng anh hùng không chỉ đã cho Nguyễn Thi viết nên thiên truyện ký Người mẹ cầm súng lấy cảm hứng từ người anh hùng Nguyễn Thị Út mà nguồn cảm hứng đó còn tiếp tục nuôi dưỡng ngòi bút của ông qua Ước mơ của đất - tác phẩm cuối cùng cũng ra đời từ cảm hứng về anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, người phụ nữ đã vượt qua muôn vàn tình huống ngặt nghèo để móc nối, tổ chức cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược vào thời điểm cuối những năm năm mươi. Rồi Sáu (Sen trong đồng ), cô gái đến với cách mạng một cách hồn nhiên khi nhận rõ sự khác nhau trong bản chất giữa ta và địch nên đã vượt qua được những trận đòn ghê rợn của kẻ thù. Một nghịch lý mà kẻ thù không ngờ được là khi các ngón đòn của chúng càng tinh vi và dã man thì lòng tin của nhân dân càng tỏ ra vững vàng. Đó còn là cô gái đất Ba Dừa tham gia cách mạng với một thái độ nhiệt tình hăng hái, chủ động và tự tin trong công việc. Cái giống nhau giữa những người phụ nữ này là trước khi đến với cách mạng, họ là những người nghèo. Từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng có chung một xuất phát điểm là không chịu sống quỳ, là nhu cầu cơm ăn áo mặc, họ đã gặp gỡ với cách mạng rồi càng ngày càng gắn bó hơn với cách mạng. Nguyễn Thi đã miêu tả các ngả đường đến với cách mạng từ tự phát đến tự giác của những người phụ nữ nông dân. Có thể sự miêu tả quá trình đó còn có phần phẳng phiu nhưng điều mà Nguyễn Thi muốn gửi gắm, khẳng định đó là con đường không thể khác.

Viết về chiến công đánh giặc của nhân vật anh hùng trong đời sống hiện tại nhưng Người mẹ cầm súng đã vượt ra khỏi lối truyện ký thông thường vẫn bám chặt vào các sự kiện, bị lệ thuộc vào sự kiện. Nguyễn Thi đã sử dụng lợi thế của khoảng cách sử thi để tạo điều kiện cho những yếu tố huyền thoại xuất hiện trong tác phẩm một cách hợp lý tạo sự gần gũi giữa nhân vật và người đọc và gây được hiệu ứng nghệ thuật: anh hùng Nguyễn Thị Út đã từ cuộc đời bước vào trang sách rồi từ tài hoa, tâm huyết của Nguyễn Thi, hình tượng chị Út có một sức sống mới, tiếp tục đi trở lại đời sống. Cũng như Anh Đức đã sáng tạo ra một nhân vật chị Sứ đặc sắc trong tiểu thuyết Hòn Đất xuất phát từ một nguyên mẫu có thật ngoài đời. Hai hình tượng nhân vật phụ nữ, qua hai bút pháp của Nguyễn Thi và Anh Đức, ở hai thể loại, tuy mang hai tính cách khác nhau nhưng cùng đạt đến mức độ điển hình trong văn học Giải phóng những năm sáu mươi. Bên cạnh đó Ước mơ của đất, Sen trong đồng, Cô gái đất Ba Dừa, kết hợp kể và tả, ông đã thuyết phục người đọc bằng lối viết mộc mạc và sức thuyết phục của những sáng tác này lại nằm ở câu chuyện cuộc đời của nhân vật.

Nếu như bối cảnh của Người mẹ cầm súng là bối cảnh của thời kỳ Đồng khởi và quá khứ của nhân vật như một sự nối dài hiện tại nhằm khẳng định phẩm chất anh hùng của nhân vật thì Ước mơ của đất (và cả Sen trong đồng, Cô gái đất Ba Dừa) Nguyễn Thi đã cắt nghĩa sức mạnh nội lực để những người phụ nữ này có thể làm được những điều mà một người bình thường không thể làm. Lý giải điều này ông cho đó là lòng tin vào con đường mà nhân vật đã chọn. Ước mơ của đất vì thế có ý nghĩa là ước mơ của những con người gắn bó với mảnh đất đó, sống chết với mảnh đất đó. Đó là ước mơ giải phóng, không chỉ ra khỏi ấp chiến lược mà cao hơn, ra khỏi mọi sự áp bức.

So với Người mẹ cầm súng, những sáng tác khác trong di cảo của Nguyễn Thi có xu hướng nghiêng về hiện thực khi tác giả đặt họ vào một đời sống được miêu tả thô ráp và trần trụi hơn. Dĩ nhiên đây là truyện ký, ghi chép viết theo xu hướng sử thi, lại chưa được hoàn thiện nên việc tác giả không đi sâu vào diễn giải các trạng thái tâm lý hoặc mô tả tỉ mỉ sự ác liệt của các trận chiến đấu cũng là điều có thể lý giải được. Tuy nhiên ở Sen trong đồng khi xây dựng nhân vật Sáu như một hình mẫu đẹp đẽ về niềm tin trong sáng của quần chúng nhân dân đối với cách mạng, Nguyễn Thi đã xử lí thành công sự chiến thắng của lòng tin trong sáng ở cô trong bối cảnh kẻ thù giở mọi mánh khóe mưu mẹo lừa gạt, đánh vào chỗ yếu nhất của cô: tri thức khoa học. Những trang viết về trạng thái tâm lí của nhân vật khi vào tù, khi bị tra tấn, khi chứng mắt trông thấy sự phản bội của những người cách mạng, sự hoang mang khi những kẻ chiêu hồi chơi đòn hiểm đánh vào tâm lí của một người trung thành nhưng ít học... là những trang viết đặc sắc. Có thể nói Sen trong đồng là một trong số không nhiều những tác phẩm đã xử lý một cách nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa cách mạng và quần chúng.

Bên cạnh chị Út, Hạnh - những con người anh hùng đi từ cuộc đời vào tác phẩm, Sáu là hình ảnh về một người phụ nữ miền Nam kiên trung bất khuất, là hình ảnh về cô gái đất Ba Dừa với vẻ đẹp của sự mạnh mẽ, năng động, tự tin. Trong những trang viết đó, Nguyễn Thi đã nhìn ra những vấn đề, những mâu thuẫn nảy sinh ngay trong nội bộ và cuộc đấu tranh này cũng gian khổ không kém. Không chỉ là sự phản bội của những người vốn có chung một lý tưởng như ở trong Sen trong đồng, trong Cô gái đất Ba Dừa còn là thói, ganh ghét, coi thường phụ nữ. Cũng qua ghi chép này ông đã cảnh báo về sự tan vỡ hạnh phúc gia đình có thể xảy ra ở những người phụ nữ tham gia công tác khi mà dưới con mắt của họ tiêu chí về con người xã hội trở thành thước đo đầu tiên, quan trọng nhất đối với chồng; khi mà niềm say mê công việc chung lấn át thời gian và tình cảm dành cho riêng tư... 

Biết nắm bắt và chắt lọc những điển hình trong cuộc sống, Nguyễn Thi còn là cây bút có khả năng thổi hồn cho nhân vật cuộc đời như chị Út, chị Nguyễn Thị Hạnh trở thành những hình tượng văn học. Những tác phẩm này của Nguyễn Thi, đứng về mặt thể loại, là những đóng góp suất sắc của ông cho thể truyện ký - một trong những thể loại mang tính đặc thù của một thời kỳ lịch sử. Đó là lịch sử đất nước những năm chiến tranh, văn học với yêu cầu là "tấm gương soi lịch sử" về một cuộc chiến tranh nhân dân, lịch sử về sứ mạng của nhà văn là chiến sỹ trên mặt trận của Đảng. Trong những ngày lăn lộn với cuộc sống đó, một mặt ông vừa có những sáng tác kịp thời, mặt khác ông còn có sự chuẩn bị song hành cho những dự định dài hơi. Đây là một công việc khó khăn mà nếu nhà văn không có tư chất đích thực của một nghệ sỹ thì trong hoàn cảnh ấy tư chất công dân dễ lấn át, nổi trội và rồi nhà văn sẽ chỉ có những sáng tác mang tính kịp thời. Ở xã Trung Nghĩa, tiểu thuyết duy nhất dẫu chưa hoàn thiện vẫn là một sự chuẩn bị, một bứt phá của tư chất nghệ sỹ ở Nguyễn Thi. Trên nền sự hiểu biết thông thuộc về đời sống và vấn đề cốt lõi của cuộc cách mạng miền Nam, Nguyễn Thi đã thể hiện một cách đặc sắc hiện thực nông thôn miền Nam những năm sau hiệp định Giơnevơ qua bút pháp hiện thực nghiêm nhặt, dự báo một cây bút tiểu thuyết tài năng .

Chọn bối cảnh lịch sử của Ở xã Trung Nghĩa vào thời kỳ những năm sau Hiệp định Giơnevơ - một thời kỳ mà cách mạng miền Nam ở vào tình thế gay go nhất, Nguyễn Thi đã chọn cho tác phẩm một tình huống đắt giá để nhân vật được đặt vào những cuộc đụng độ, những thử thách. Lúc này lực lượng kháng chiến phần lớn đã tập kết ra miền Bắc, một bộ phận còn lại rút vào bí mật. Miền Nam thuộc quyền kiểm soát của đối phương. Tính chất căng thẳng của cuộc đối đầu ngay từ những trang viết đầu tiên đã toát ra từ không khí của làng xã từ dáng vẻ, cử chỉ và những câu đối thoại giữa đại diện Hiếm và ông Tư Trầm. Không khí ấy càng trở nên oi ngột hơn sau khi ông Tư Trầm biết Hai Khê đã bị bắt và vợ Hai Khê trong nơm nớp lo ngại có kẻ nhìn thấy cuộc đến thăm của ông. Độ căng của không khí oi ngột càng dữ dội hơn khi ngòi bút tác giả đã miêu tả cảnh vợ chồng ông Tư Trầm trò chuyện trong đêm người nói chỉ nói ra một phần nhỏ điều mình nghĩ, còn người nghe thì đang cố đoán ra những gì mà người nói chưa nói hết trong cảnh "tiếng chó sủa lúc gần lúc xa, đầy rẫy sự ngờ vực đinh tai nhức óc". Tất cả những sự kiện đó dồn dập xảy ra trong một không gian làng chật hẹp, trong không gian tâm tưởng của Tư Trầm. Cảm giác bất an về một tai họa như đang treo lơ lửng trên đầu khi trước mắt, những nhu cầu thiết yếu của đời sống như cơm ăn áo mặc, mà trước mắt là sự giao lưu tối thiểu của người dân đang bị tước đoạt.

Đặc sắc của ngòi bút Nguyễn Thi được thể hiện trong việc cho người đọc nhận diện nhân vật qua thần sắc dung mạo, qua ngôn ngữ và thái độ giao tiếp. Đại diện Hiếm luôn cố giữ một vẻ ngoài lịch sự để lấy lòng dân nhưng khi đối diện với Tư Trầm, một gia đình thuộc diện bảng đen thì hắn đã bộc lộ mình trong màn độc diễn: "vừa mới sởi lởi chào" "mặt bỗng lạnh lại như mặt người chết" với nụ cười "vụt nở như miệng cua". Cho hắn có một hình thể quá đặc biệt, một lối nói chuyện, vào chuyện cũng rất đặc biệt, Nguyễn Thi đã tạo sự nhất quán trong việc thể hiện bản chất con người hắn: "vũ không dũng thì phải có mưu, tay không tinh thì miệng phải giỏi, có gan thì lộc nhuận mới đến nhà". Và Nguyễn Thi đã tiếp tục một bước khác trong việc hoàn thiện chân dung nhân vật này khi chị Hai Khê bế đứa con còn đỏ hỏn lên công sở xin hắn cái giấy đi thăm chồng, trong sự bố trí màn kịch để bắt bà Tư Trầm khi bà sang thăm chị Hai Khê vừa đẻ dậy. Đặc tả của Nguyễn Thi về chân dung của đại diện Hiếm còn được tiếp tục thể hiện trong thế tương hỗ với cảnh sát Âu trong sự đua tranh quyền lực thông qua hai phương tiện đi lại hàng ngày của chúng. Hay như tính cách của nhân vật Ba Sồi không chỉ đặc biệt ở ngoại hình con mắt chột mà qua cả thái độ của mụ với cái "mặt mũi phừng phừng", "đôi lông mày nhướng lên quá trán", qua "cái dáng như điên như dại của mụ" mỗi khi mụ chửi bới, khi việc "ngày ngày người ta nghe tiếng mụ xa xả ở đầu xã, cuối xã, giống như những con quạ đói vẫn kêu vang lên mỗi buổi chiều tối ngoài gò mả". Cung cách đó là cung cách của những mụ đàn bà nanh nọc; như Hàm Giỏi trong Người mẹ cầm súng từng "quyết đánh Út cho lòi thịt lòi cá ra" chỉ vì Út đói quá nên đã trót ăn ít thức ăn của con mụ. Chỉ với "cái lưng cong như trái me đen cháy" với "đôi bàn chân mang màu phèn mốc" và "áo vắt vai lưng quần lá nem vận một nùi dưới lớp da bụng bèo nhèo" Nguyễn Thi đã chứng tỏ kỹ năng chạm trổ tinh vi trong khắc họa dung mạo nhân vật. Tuy nhiên, với nhân vật người nông dân, Nguyễn Thi chú trọng nhiều hơn ở phần bản lĩnh, tình nghĩa và tính cách nhân vật cũng hiện lên ở khía cạnh đó. Khác với chị Dậu chỉ vùng lên trong thế tức nước vỡ bờ, chị Hai Khê là người chủ động khi nhịn miệng nuôi con chứ không chịu cho con đi ở đợ và chống trả mụ Ba Sồi quyết liệt khi mụ đến đuổi nhà. Cũng như bà Tư Trầm chấp nhận việc đi thăm chị Hai Khê tức là chấp nhận sự rủi ro sẽ đến và khi nó đến rồi thì bà chỉ có lo cho mẹ con chị hơn là lo cho bản thân mình. Có thể nói đã tùy theo nhân vật mà Nguyễn Thi có cách chiếu điểm nhìn để phát hiện ra các điểm sáng trong từng tính cách.

Để thể hiện một cách đắc địa tính chất ác liệt của một cuộc đối đầu thầm lặng, Nguyến Thi đã sử dụng trong Ở xã Trung Nghĩa nhiều giọng điệu khác nhau. Trước đây ta gặp một giọng điệu sử thi bao trùm lên hầu hết các sáng tác của ông, đặc biệt là những truyện ký được in trước khi ông mất. Nhưng với tác phẩm này ông đã sử dụng hai giọng điệu mới. Đó là giọng điệu giễu nhại và giọng điệu trắc ẩn. Ngay trong những trang mở đầu, giọng điệu giễu nhại đã được ông thể hiện trong việc miêu tả cái trụ sở làm việc của chính quyền đến chân dung các vị chức sắc, từ việc thể hiện thói đạo đức giả của đại diện Hiếm, thói học đòi nhưng nhiều khi "phép lịch sự không thắng nổi cái cốt du côn gác chợ" của cảnh sát Âu, đến thói phàm ăn của thứ "gà què ăn quẩn cối xay" ở Ba Kỳ, thói "hễ thấy hơi đồng thì mê" của vợ chồng Ba Sồi. Sử dụng giọng điệu này là một cách để cho người đọc nhận diện nhân vật kẻ địch của Nguyễn Thi. Thế nhưng khi trở lại với nhân vật người nông dân Nguyễn Thi lại sử dụng giọng điệu trắc ẩn, xót xa thấm từ lời dẫn chuyện đến việc miêu tả tình cảm, qua hình dáng, cử chỉ đến tâm trạng. Duy nhất một lần Nguyễn Thi nói một cách đặc sắc về cảm giác ngỡ ngàng sung sướng của vợ chồng ông Tư Trầm suốt một đời đi làm thuê, nay được chia ruộng đất. Còn khi miêu tả tâm trạng họ trong nỗi lo nguy cơ bị cướp ruộng thì giọng văn của ông u ẩn và đau xót: hai người già cả đơn côi cô quạnh với tâm trạng nặng nề trong khung cảnh một đêm sâu với một không gian có vầng trăng đỏ tứa, có tiếng chó sủa rộ, tiếng mõ báo động... Mô tả cảnh bọn địch ập vào nhà Hai Khê bắt quả tang việc các gia đình bảng đen đi lại với nhau, Nguyễn Thi đã sử dụng cả hai giọng chủ âm của tác phẩm. Đó là giọng châm biếm trong khi vạch trần các vai diễn vụng trong một lớp kịch xoàng của cái gọi là đại diện cho chính quyền, nhưng lại sử dụng giọng điệu cảm phục, trân trọng trước nghĩa khí của những người nông dân nghèo trong cơn hoạn nạn. Sự pha trộn giọng điệu này còn được tiếp tục trong phần ông viết về cảnh những người dân Trung Nghĩa đi tập trung làm khu trù mật. Bên giọng điệu khinh bạc đối với lũ ăn tham vô học đang tạm thời nắm giữ quyền hành, là giọng điệu hài hước qua những câu chuyện đậm chất dân gian của Ba Lung, bên giọng điệu mỉa mai riễu cợt khi kể lại buổi lễ khánh thành con đường đến khu trù mật là giọng điệu xót thương khi viết về câu chuyện lấy vợ tậu nhà của vợ chồng hai Rô và cảnh ông Tư Trầm lên đòi trả vợ về. Những giọng điệu đó đan xen với nhau tạo nên một hiệu quả đặc sắc trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. 

Chỉ mới 3 chương nhưng Ở xã Trung Nghĩa đã thể hiện được những gì tinh túy nhất có trong văn tài của cây bút chiến sỹ này. Với những câu văn chắc nịch và đầy sức gợi cảm Nguyễn Thi đã trở lại một đề tài không mới nhưng không hề cũ, kể cả cho đến thời điểm này. Đối với người nông dân ruộng đất vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Cho nên đem lại ruộng đất cho người nông dân cũng có nghĩa là Cách mạng đem lại cho họ cuộc sống và Bảy Kiệt, Ba Sồi cấu kết với đại diện Hiếm, cảnh sát Âu âm mưu cướp lại ruộng đất của họ cũng có nghĩa là đẩy họ vào tình thế buộc phải đứng lên cầm súng. Từ xuất phát điểm đó, Nguyễn Thi đã có một cách lý giải đặc sắc con đường đi đến với cách mạng cho nhân vật của mình. Và ông đã kết hợp hài hòa lòng yêu quê hương xứ sở với lòng yêu cách mạng của những con người vốn trọng tình, trọng nghĩa. Đặt Ở xã Trung Nghĩa vào trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Thi, chúng ta nhận ra được sự liền mạch của ông trong những vấn đề nóng sốt của cách mạng, đồng thời cũng thấy sự vượt lên của ông trong việc chuẩn bị cho những bước đi lâu dài...

Những tháng năm ở chiến trường Nguyễn Thi đã làm việc hết mình và có nhiều đóng góp của ông cho nền văn học Giải phóng, nền văn học ra đời trong chiến tranh và phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc. Ngoài những truyện ký nói trên Nguyễn Thi còn có nhiều truyện ngắn khác thể hiện được những thế mạnh của một cây bút trữ tình mà tiêu biểu là Mẹ vắng nhà và Những đứa con trong gia đình. Những sáng tác này đặt vào trong thế giới nghệ thuật của ông là một thứ bổ sung hoàn hảo cho tinh thần của một cuộc chiến tranh nhân dân. Sinh thời Nguyễn Thi đã từng "im lặng mà viết, im lặng mà đọc sách, im lặng mà suy nghĩ, im lặng để rất ít nói về mình" (Nguyễn Trọng Oánh). Dẫu rằng bốn mươi năm về trước, Nguyễn Thi đi vào cõi vĩnh hằng mà không kịp nói lời vĩnh biệt thì những sáng tác mà chúng ta có được từ hôm nay đã nói về ông rất nhiều. Những bi kịch trong đời sống tình cảm riêng tư mà một cá tính Nguyễn Thi từng chịu đựng, vượt qua và coi việc "đi, viết, ghi chép" như một lẽ đương nhiên không thể khác khiến chúng ta càng cảm phục nghị lực phi thường của ông. 

Ông hy sinh vào tuổi bốn mươi, tuổi mà năng lực sáng tạo đang ở vào độ chín. Sau chiến tranh, không ai biết đích xác mộ phần ông nằm ở đâu dù biết nơi ông hy sinh là đường Minh Phụng. Giờ, con đường ấy được mang tên ông. Trong sự nghiệp văn học cách mạng, nhà văn - liệt sỹ Nguyễn Thi là một hình ảnh đẹp. Tên tuổi của ông xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nhà văn tiêu biểu của nền văn học chống Mỹ.

PGS.TS. Tôn Phương Lan
Phòng Văn học Việt Nam đương đại

0 nhận xét:

Đăng nhận xét