TÌM HIỂU ĐOẠN TRÍCH ĐẤT NƯỚC CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM
1.Về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và xuất xứ đoạn trích « Đất Nước ».
-Nguyễn Khoa Điềm sinh 1943. Nhà thơ xứ Huế. Tốt nghiệp Đại học Văn Sư phạm Hà Nội. Thời chống Mĩ sống và chiến đấu tại chiến trường Trị-Thiên. Nay là Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin.
- Tác phẩm thơ: “Đất ngoại ô”, “Mặt đường khát vọng”,…
- Thơ của Nguyễn Khoa Điềm đậm đà, bình dị, hồn nhiên, giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của người thanh niên trí thức tham gia tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
- Xuất xứ : Trường ca “Mặt đường khát vọng” được Nguyễn Khoa Điềm viết tại chiến khu Trị-Thiên hoàn thành vào cuối năm 1971. Được xuất bản vào năm 1974.
- Đoạn trích “ Đất nước” gồm 110 câu thơ tự do, là chương 5 của trường ca “Mặt đường khát vọng” (Sách Văn 12 trích 89 câu thơ phần đầu chương 5 ).
2.Chủ đề đoạn trích « Đất Nước »
Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm nói về cội nguồn đất nước theo chiều dài lịch sử đằng đẵng và không gian địa lý mênh mông. Hình tượng Núi Sông gắn liền với tâm hồn và chí khí của Nhân dân, những con người làm ra Đất nước. Đất nước trường tồn hứa hẹn một ngày mai đẹp tươi và hát ca.
3.Nội dung cơ bản
3.1. Cảm nhận chung về đất nước.
- Cảm nhận về đất nước bằng những gì gần gũi thân thiết, bình dị trong cuộc sống của con người.
+ : “Đất nước có..............” qua sự tích:
Trầu cau: nói lên tình nghĩa vợ chồng gắn bó, thủy chung, ý thức dân tộc.
Thánh Gióng: tinh thần bất khuất chống xâm lược của dân tộc ta từ thời dựng nước.
+ Đất nước được hình thành từ những thuần phong mĩ tục: tóc mẹ thì bới sau đầu, đó là nét đẹp văn hoá cội nguồn của dân tộc dù trải qua 1000 năm Bắc thuộc.
+ Đất nước được hình thành từ những lối sống giàu tình nặng nghĩa: Cha mẹ thương nhau.....từ câu ca dao: Tay bưng chén muối đĩa gừng.
+ Đất nước được hình thành từ những vẻ đẹp văn hoá vật chất của nền văn minh nông nghiệp lúa nước: cái cột, cái kèo... và cuộc sống lao động nông nghiệp vất vả:
Hạt gạo một nắng hai sương xay ,giã ,dần ,sàng.
Đất nước có từ ngày đó
- Đất nước được cảm nhận từ phương diện địa lí, lịch sử.
+ Đất nước là không gian rừng biển, sông núi, giang sơn, yêu qúy qua các làn điệu dân ca trữ tình:
Đất là nơi chim về...
Nước là nơi rồng ở
+ ĐN là không gian gần gũi gắn bó với mỗi chúng ta:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Và cũng là nơi gắn bó với những kỉ niệm thơ mộng tuyệt đẹp “ĐN là nơi ta hò hẹn....thầm”
+ ĐN gắn với truyền thuyết con rồng cháu tiên:
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
+ ĐN là nơi k/gian sinh tồn của cả dân tộc qua bao thế hệ, từ quá khứ đến hiện tại, tương lai. không quên cội nguồn
“Những ai đã khuất.......con cháu”
- ĐN hoá thân trong cuộc sống của mỗi con người.
+ Mỗi chúng ta đều có một phần ĐN từ thể xác đến tâm hồn. Ý thơ gợi chúng ta về trách nhiệm về ĐN về sự đoàn kết giữa các dân tộc tạo nên sự vẹn toàn cho đất nước. Cho nên, cần đem xương máu của mình để xây dựng đất nước:
“Em ơi Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ.
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”
=>ĐN được tác giả cảm nhận từ chiều dài của thời gian và lịch sử, từ chiều rộng không gian và địa lí, bề dày văn hoá và phong tục lối sống.
Tóm lại, 42 câu thơ trong phần I nói về nguồn gốc của Đất nước và sự gắn bó, san sẻ đối với Đất nước. Ý tưởng sâu sắc ấy được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân gian, một giọng điệu thủ thỉ tâm tình vô cùng thấm thía, xúc động. Chất trữ tình hòa quyện với tính chính luận.
3.2.Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại.
-Tất cả mọi hình ảnh tồn tại trên đất nước đều gắn liền với nhân dân.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm…”
Những cảnh quan: hòn Vọng Phu, Trống Mái chỉ trở thành thắng cảnh khi gắn liền với con người vì không có sự chờ đợi của người vợ thì không có núi Vọng Phu, không có truyền thuyết Hùng Vương thì không có sự cảm nhận hùng vĩ quanh đền hùng:
“ Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình ,một ao ước,một lối sống ông cha
Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những tâm hồn đã hoá núi sông ta”
- Nhân dân gìn giữ và bảo vệ đất nước:
+Nhà thơ không điểm lại những triều đại anh hùng mà nhấn mạnh đến những con người vô danh, bình dị nhưng chính họ là người đã “giữ và truyền” hạt lúa, đã “truyền lửa”, “truyền giọng điệu”, “gánh tên làng tên xã”…, “đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”. Chính Nhân dân đã làm nên Đất nước, để Đất nước là của Nhân dân
+ Họ là những con người anh hùng :
.“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng”
. “Trong bốn nghìn năm lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”.
- Đất nước này là của nhân dân.
+ Vần thơ hàm chứa ý tưởng đẹp, một lối diễn đạt ý vị ngọt ngào:
“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất nước này là Đất nước Nhân dân
Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại”
+ Đất nước mang sức sống mãnh liệt, tiềm tàng vì Nhân dân đã biết yêu và biết ghét, bền chí và dẻo dai, biết “quý công cầm vàng”, “biết trồng tre đợi ngày thành gậy”, biết trả thù cho nước, rửa hận cho giống nòi mà “không sợ dài lâu”.
+Hình ảnh người chèo đò, kéo thuyền vượt thác cất cao tiếng hát là một biểu tượng nói lên sức mạnh Nhân dân chiến thắng mọi thử thách, lạc quan tin tưởng đưa Đất nước đi tới một ngày mai vô cùng tươi sáng:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
(Sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét